Salami là gì? Đã bao giờ bạn nghe nói tới loại xúc xích Salami – một trong những biểu tượng của tinh hoa ẩm thực Địa Trung Hải hay chưa?
Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đã từng được nghe qua về món ăn này, nhưng để hiểu và thử cảm nhận cái tinh túy ấy, thì chưa phải ai cũng có cơ hội. Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải bay hàng chục tiếng để đến đó, mà chỉ cần ngồi tại nhà, nhâm nhi thưởng thức vài lát Salami là đã có thể tận hưởng được cái đặc biệt của nền ẩm thực phương xa rồi.
Nhắc đến ẩm thực Địa Trung Hải, thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến những thanh Salami chắc nịch, được ướp muối đậm đà. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, Salami là một loại xúc xích có dạng khối, chế biến từ thịt động vật và được làm chín bằng cách để lên men và phơi khô.
Mỗi quốc gia, vùng miền lại có cách tẩm ướp và chế biến xúc xích Salami khác nhau. Theo đó, họ có thể dùng một loại thịt duy nhất, hoặc trộn nhiều loại vào với nhau. Gia vị tẩm ướp của Salami cũng khá đơn giản, bao gồm muối, hạt tiêu, tỏi, rượu, mace, thì là và đôi khi là quế. Đôi khi, người ta còn thêm bột ớt để giúp xúc xích có vị cay và màu đỏ đậm hơn.
Salami có thể ở nhiều dạng như tươi, nấu chín hoặc khô. Salami khô (hay còn gọi là xúc xích khô) thường được treo, có thể ăn ngay, trong khi hai loại kia phải nấu chín trước. Hơn nữa, hương vị của xúc xích khô cũng ngon và đặc biệt hơn. Nhưng cho dù ở dưới dạng nào, thì Salami cũng có một số đặc điểm nhất định: thịt phải được nén chặt với các hạt mỡ, tạo nên kết cấu màu đỏ xen trắng. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến xúc xích Salami trở nên ngon mắt hơn.
Trên thực tế, cách thức làm ra xúc xích Salami khá giống với những loại xích thông thường. Những người thợ sẽ phân rõ thịt mỡ và thịt nạc, sau đó xay và trộn đều với nhau, tạo ra những thớ thịt được nén chặt, hài hòa giữa nạc và mỡ. Sau đó, thịt sẽ được lên men trong kho lạnh, trong một khoảng thời gian nhất định.
Có lẽ chính nhờ cái thời gian lên men vừa vặn ấy, mà xúc xích Salami có được vị mặn mòi, thơm đặc trưng, đi kèm với đó là vị béo đậm đà. Nếu phải chọn một món ăn bất kì để mô tả đặc điểm người nông dân ở Ý, thì tôi sẽ không ngần ngại mà đề xuất chiếc Salami: Sôi nổi, bốc lửa, tinh tế, táo bạo nhưng vẫn đan xen chút ngọt ngào.
Rất nhiều người mua xúc xích Salami về, nhưng lại chưa biết cách thưởng thức làm hương vị của món ăn chưa được trọn vẹn.
Thông thường, Salami được sử dụng như một món khai vị, thường được thưởng thức cùng với phô mai và rượu vang. Ngoài ra,bạn cũng cần phải chú ý rằng xúc xích Salami ngon nhất khi thái miếng thật mỏng. Khi đang đông cứng, miếng thịt sẽ rất dễ thái. Tuy nhiên, xúc xích Salami đúng vị nhất khi lạnh vừa phải. Lúc đó, mỡ sẽ mềm hơn và hương vị như được bùng nổ. Vì vậy, những chuyên gia ẩm thực vẫn khuyên rằng bạn nên cắt Salami ngay khi vừa được ra khỏi tủ lạnh, nhưng để ở nhiệt độ phòng trước khi ăn ít nhất 15 phút.
Ngoài ra, bạn cũng nên bóc vỏ trước khi ăn. Rất nhiều loại Salami được sử dụng vỏ sinh học, vô hại khi ăn, nhưng những người sành ăn luôn khuyên rằng nên bóc vỏ để cảm nhận được hết hương vị của món ăn.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa rượu và đồ ăn lâu nay đã luôn được đề cao. Nếu kết hợp đúng, bạn sẽ nâng tầm hương vị món ăn lên gấp bội phần. Salami cũng vậy.
Thông thường, tùy vào loại Salami mà bạn sẽ quyết định được là nên uống gì. Ví dụ, vói những loại xúc xích Salami được kết hợp giữa thịt bò và thịt lợn, thì rượu vang đỏ nhẹ là sự lựa chọn hợp lý. Còn nếu Salami có vị cay nhẹ, thì rượu vang trắng chua sẽ làm giảm bơt đi độ cay và giúp thực khách cảm nhận hương vị rõ hơn.
Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà các nhà ẩm thực mô tả hương vị của xúc xích Salami giống như sự đan xen độc đáo giữa hiện tại và truyền thống – một sự giao thoa giữa lịch sử và sự đổi mới của con người trong nhiều thế kỉ. Nếu bạn chưa từng được có cơ hội cảm nhận hương vị ấy, thì hãy một lần nếm thử, chắc chắn sẽ không có gì phải hối tiếc.
Thế giới ẩm thực Âu luôn hấp dẫn đến kì lạ, theo một cách rất riêng.
So sánh sản phẩm
Bạn không có sản phẩm để so sánh.
Danh sách yêu thích
Bạn không có sản phẩm nào trong danh sách yêu thích.